GIỚI THIỆU VỀ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang được tái thành lập theo Quyết định số 161/QĐ-BTP ngày 16/8/1991 để thực hiện chức năng xét xử theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
1. Giai đoạn 1991 - 1995
Theo Điều 2 Luật tổ chức Tòa án năm 1992 thì hệ thống Tòa án được tổ chức theo đơn vị hành chính gồm có: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các Tòa án quân sự...
Đối với Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang về cơ cấu tổ chức gồm có: 69 cán bộ, gồm 01 Chánh án, 01 Phó Chánh án; Ủy ban thẩm phán (Chánh án, Phó Chánh án, các Chánh Tòa); Tòa hình sự; Tòa Dân sự; Tòa Hành chính-Kinh tế-Lao động và bộ máy giúp việc gồm Văn phòng và Phòng giám đốc kiểm tra. Năm 1995 biên chế TAND hai cấp 79 cán bộ. Về các tổ chức Đảng đoàn có Ban cán sự Đảng; tập thể lãnh đạo (Chánh án, Phó Chánh án); Chi bộ TAND tỉnh, Công đoàn và Chi đoàn.
Về cơ chế quản lý Tòa án nhân dân địa phương trong giai đoạn này do Bộ Tư pháp đảm nhiệm (Bộ tư pháp quản lý đối với đơn vị TAND tỉnh, Sở tư pháp quản lý đối với đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện, thị xã) nhưng chủ yếu là về công tác tổ chức, quy định và phê duyệt biên chế cho từng Tòa án địa phương và kinh phí; về nhân sự như Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu và nhiệm kỳ được quy định theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra.Về công tác quản lý, hướng dẫn về công tác xét xử do Tòa án nhân dân tối cao đảm nhiệm.
Trong giai đoạn này TAND hai cấp tỉnh Hà Giang có rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, hầu hết các trụ sở của TAND hai cấp đều là nhà cấp 4, phòng làm việc, hội trường xét xử chật hẹp, trang thiết bị làm việc thiếu thốn ... Song với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức TAND hai cấp đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giải quyết, xét xử 2.484/2.552 án các loại, đạt tỉ lệ giải quyết chung 97%. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng, chính quyền địa phương đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án lớn như: xét xử lưu động vụ án Phà Văn Canh phạm 5 tội: giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, trốn khỏi nơi giam, Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; các vụ án về xâm phạm tài sản XHCN, tham nhugx...; vụ án toán cướp có vũ trang, hoạt động táo bạo và trắng trợn trên tuyến Hà Giang - Mèo Vạc gồm 7 tên cướp. Các vụ án ma túy lớn như: Ngô Văn Tuy, tàng trữ 62kg thuốc phiện, Trần Quốc Huy 22 kg, Cháng Chỉn Sẩu 10kg...
2. Giai đoạn đoạn 1995- 2005
Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện của Đảng, nhà nước; triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ chính trị về " Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới", Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi năm 2002... Bộ máy TAND hai cấp được củng cố, kiện toàn và từng bước đổi mới, phát triển cả về số lượng và chất lượng (thành lập thêm 01 Tòa án huyện, bổ sung Phòng Tổ chức cán bộ). Ngành Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang gồm có 1 đơn vị cấp tỉnh và 11 đơn vị Tòa án nhân dân huyện, thị, tổng số biên chế của TAND 2 cấp năm 2005 có 116 người.
Trong giai đoạn này, hoạt động của ngành TAND tỉnh Hà Giang đứng trước nhiều thách thức như: tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động có chiều hướng gia tăng ...; nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của Tòa án hai cấp đã được quan tâm đầu tư (như 6 Tòa án huyện, thị được cải tạo, nâng cấp, mở rộng trụ sở, trang bị các phương tiện, thiết bị văn phòng làm việc nhằm đảm bảo cho việc tăng thẩm quyền xét xử của Tòa án các huyện theo tinh thần cải cách tư pháp) tuy nhiên cơ sở vật chất vẫn còn thiếu, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả thực hiện nhiệm vụ xét xử của Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý, giải quyết 7.388/7.485 vụ án các loại đạt tỷ lệ chung 98%.
3. Giai đoạn 2005- 2015.
Triển khai Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó nêu rõ " xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp" trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Vì vậy, để đảm bảo cho việc thực hiện thẩm quyền xét xử mới về Hình sự và Dân sự cho Tòa án cấp huyện, Tòa án nhân dân tối cao đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, biên chế và các điều kiện cần thiết khác cho các Tòa án địa phương. Về cơ sở vật chất trụ sở làm việc của một số đơn vị được cải tạo và xây dựng mới. Về biên chế của TAND 2 cấp năm 2015 TAND hai cấp có 137 người ( cấp tỉnh 47, cấp huyện 90, trong đó: Thẩm phán 43, Thẩm tra viên 26, Thư ký 43, chức danh khác 25).
Trong giai đoạn này, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý, giải quyết 8.701/8.730 vụ án các loại đạt tỷ lệ chung 99%. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử kịp thời, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm như: vụ án Trần Thị Tâm, Trần Thị Phấn phạm tội Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy (xử phạt Tử hình), vụ Lý Thị Chính phạm tội Giết người (xử phạt Tử hình), vụ Nông Văn Thịnh phạm tội Hiếp dâm trẻ em (xử phạt Chung thân).v.v.
4. Giai đoạn 2015 đến nay
Trong giai đoạn này TAND hai cấp tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ chính trị; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TAND tỉnh Hà Giang lần thứ IX, các chỉ thị, nghị quyết và văn bản chỉ đạo của TAND tối cao liên quan đến hoạt động của hệ thống Tòa án, triển khai thực hiện quyết liệt 14 giải pháp của TAND tối cao đã được xác định tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác, chất lượng xét xử các loại án của TAND hai cấp tỉnh Hà Giang.
TAND hai cấp tỉnh Hà Giang đã giải quyết, xét xử 3496/3894 vụ việc thụ lý thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 90%. Đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; tăng cường công tác hoà giải trong giải quyết các vụ việc Dân sự, Hôn nhân gia đình; trú trọng công tác đối thoại trong giải quyết vụ án Hành chính; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Song song với việc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang chú trọng công tác tổ chức cán bộ (tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển...) nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Kiện toàn lại các đơn vị Tòa, Phòng thuộc TAND tỉnh để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang